TOÀN CẢNH CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP VSIP 3, CÓ SIÊU NHÀ MÁY 1,3 TỶ USD

Khu công nghiệp VSIP 3 (tỉnh Bình Dương) rộng 10km2 (gấp rưỡi quận 1 (TP.HCM). Dù chưa xây dựng xong, nơi đây đã thu hút 8 dự án với tổng vốn 1,6 tỷ USD. Trong đó nổi bật là siêu nhà máy lớn nhất thế giới của tập đoàn LEGO.

Khu công nghiệp VSIP 3 tọa lạc tại thành phố Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 13.300 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Dự án được khởi công xây dựng tháng 3 năm 2022.

 

Khu công nghiệp VSIP 3 sở hữu vị trí đắc địa, liền kề các VSIP hiện hữu và trung tâm Thành phố Mới Bình Dương. Do nằm trên trục đường Vành đai 4, phương tiện từ đây dễ dàng tiếp cận đường Mỹ Phước – Tân Vạn đến các cảng và sân bay, cũng như kết nối đến các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Dù mới khởi công nhưng VSIP 3 đã đón nhiều “đại bàng” về “làm tổ”. Hiện đã có hơn 30 công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến. Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút được 8 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ USD.

 

Trong đó, nổi bật nhất là dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi có quy mô lên tới 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch). Đây là nhà máy lớn nhất thế giới của LEGO và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam. Điểm đặc biệt của nhà máy là chỉ sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời và sản xuất linh kiện có độ chính xác đến 1/10 sợi tóc.Trên ảnh là công trường xây dựng nhà máy của Tập đoàn LEGO.

 

Nằm ở tỉnh có nhiều khu công nghiệp VSIP nhất Việt Nam, ngay từ khi thành lập, dự án đã được tỉnh xác định là khu công nghiệp thế hệ thứ 3, ưu tiên các loại hình công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.

 

VSIP 3 sẽ tập trung vào 7 ngành công nghiệp chính: Điện tử và điện lực, sản xuất và lắp ráp ô tô, chế tạo cơ khí, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao, dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận chuyển và kho bãi. Sau hơn 2 năm, bãi đất trống ngày nào giờ đây đã trở thành công trường tấp nập để tạo đất sạch đón nhà đầu tư.

 

Đến nay nhiều tuyến đường bên trong khu công nghiệp đã được xây dựng, đường điện cũng đã được kéo đến, hệ thống cung cấp nước được thực hiện. Với quan điểm lấy cơ sở hạ tầng làm lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư, ngay sau khi khởi công khu công nghiệp VSIP 3, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tiến hành nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 746. Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào khu công nghiệp VSIP 3, kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.Việc đầu tư, xây dựng tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia như sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, cảng Cái Mép…

 

Trong tương lai không xa, các khu công nghiệp lân cận thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển dịch dần đến Tân Uyên, VSIP 3 sẽ sớm trở thành tụ điểm công nghiệp, trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhất khu vực, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất tiên tiến… Từ đó tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

 

Giai đoạn 2023-2025, Bình Dương tiếp tục quy hoạch thêm 10 khu công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 30 km2 (gấp đôi diện tích sân bay Tân Sơn Nhất). Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ là thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN