Sau Vành đai 3, TP.HCM dự chi 20.500 tỉ đồng khởi động Vành đai 4

   TP.HCM đang tìm phương án phù hợp để thực hiện dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn. Trong đó, phương án khả thi nhất được đơn vị tư vấn đề xuất có chiều dài 17,12km, tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỉ đồng.

   Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản về phương án hướng tuyến và nút giao dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM, đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn).

3 phương án được đề xuất

   Theo đơn vị tư vấn là Liên danh tư vấn Hưng Nguyên, phương án khả dĩ nhất hiện nay là thực hiện theo hướng tuyến hướng tuyến đi về phía đông Nam (phía trái) so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM.

Hướng tuyến đề xuất thực hiện Vành đai 4

   Cụ thể, đầu tuyến thẳng theo thống nhất giữa UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương, sau khi qua đường Bàu Lách khoảng 750m chuyển hướng về phía trái, sau đó chạy thẳng sát ranh khu trại heo Phước Long.

   Qua trại heo này khoảng 325 m, tuyến chuyển hướng về phía trái ngang Khu du lịch sinh thái Củ Chi về phía gần cuối (hiện hữu đang là đất trồng cây). Tuyến đường Vành đai 4 sẽ cắt đường Nhuận Đức ngay tại vị trí đường cong đổi hướng đông – tây sang nam – bắc.

   Sau đó, tuyến giao cắt với cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, vượt rạch Đức Lập, đến vị trí sau đường Nhuận Đức sẽ chuyển hướng về bên phải để cắt ngang qua khoảng 1,5 ha trong khu quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.

   Tuyến tiếp tục chạy thẳng cắt qua Quốc lộ 22, qua kênh Đông, sau chuyển hướng trùng theo tuyến quy hoạch qua tỉnh Long An.

   Theo phương án này, tuyến có chiều dài khoảng 17,12 km, giải toả 160 ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính 13.883 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện khoảng 20.500 tỉ đồng. Đơn vị tư vấn, cho biết phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn hai.

Ngoài phương án trên, đơn vị tư vấn còn trình bày 2 phương án khác:

   Cụ thể, phương án một có hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này tuy diện tích giải tỏa ít hơn nhưng do trùng với các tuyến đường hiện hữu nên số lượng hộ dân di dời lên đến 1.100 hộ. Chi phí đầu tư gần 17.800 tỉ đồng, nếu dự án đi trên cao vốn đầu tư lên đến 25.000 tỉ đồng.

   Phương án thứ hai hướng tuyến về phía Đông Nam với chiều dài 16,95km, tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng. Dù là hướng ngắn nhất, chi phí đầu tư thấp nhất nhưng đơn vị tư vấn cho biết, tuyến sẽ cắt ngang khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên khó khăn thực hiện.

Kỳ vọng lớn từ các tuyến vành đai, cao tốc

   Vành đai 4 tổng chiều dài gần 200 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi địa phương chủ trì thực hiện đoạn qua địa bàn theo hình thức PPP.

   Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ-Bàu Cạn, dài khoảng 18 km; Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn-cầu Thủ Biên, dài 45 km; tỉnh Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên-sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước dài khoảng 71 km;

   Tại TP. HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).

   Theo kế hoạch, tuyến đường Vành đai 4 sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023. Dự kiến khởi công vào quý 4/2024.

   Trong khi chờ đợi những bước tiến tiếp theo của Vành đai 4. Mới đây, hai dự án hạ tầng có ảnh hưởng lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là dự án Vành đai 3 TP.HCM và tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã chính thức khởi công.

   Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng.

   Trong khi đó, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) có vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài 53,7 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

   Việc các tuyến đường Vành đai, cao tốc quan trọng đã và đang được triển khai mang đến nhiều kỳ vọng phát triển cho các địa phương có dự án đi qua. Không chỉ tăng cường hiệu quả kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương trong khu vực, những dự án hạ tầng này còn có ý nghĩa đặc biệt nhiều mặt về kinh tế.

   Trong đó, thị trường bất động sản dọc các tuyến Vành đai, cao tốc sẽ có cơ hội bùng nổ. Hàng trăm nghìn hecta đất dọc theo các tuyến đường này cũng sẽ tăng giá trị nhiều lần.

   Theo các chuyên gia bất động sản, hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giúp hình thành các đô thị vệ tinh quanh các thành phố lớn. Không chỉ giảm tải áp lực cho các đại đô thị hiện hữu, những đô thị vệ tinh là cơ hội để người dân sở hữu nhà trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá bán nhà đang gấp hàng chục lần thu nhập của người dân.

Theo: Phong Vân

BÀI VIẾT LIÊN QUAN