Nghị quyết 18 tạo kì vọng mới cho thị trường bất động sản

Không chỉ là cơ sở để sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII còn là cột mốc quan trọng với nhiều điểm đột phá, tạo động lực và kì vọng mới cho thị trường bất động sản được phát triển lành mạnh, bền vững, đảm bảo hài hoà lợi ích và công bằng xã hội.

Nhiều đột phá hướng tới hài hoà lợi ích

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Theo nhiều đánh giá, yếu tố then chốt nhất vẫn là sự gia tăng giá trị kinh tế của đất đai trong một nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh. Những bất cập về cơ hội tiếp cận đất đai, sử dụng và phân phối lợi ích từ đất đai đã khiến các “điểm nóng đất đai” trong cộng đồng ngày một nhiều lên.

Chính vì vậy, so với Nghị quyết 19-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6, khóa XI năm 2012 thì Nghị quyết 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII năm 2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã nhấn mạnh hơn nhu cầu bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai.

TS Trần Xuân Lượng – Chuyên ngành bất động sản, Đại học kinh tế Quốc dân – cho rằng, điểm mới này thể hiện ở chỗ, cụm từ “hài hòa lợi ích” đã được nhắc đến 3 lần và “công bằng xã hội” được sử dụng 5 lần trong Nghị quyết 18, trong khi cả hai cụm từ này chỉ được nhắc đến 1 lần trong Nghị quyết 19.

Cụ thể, Nghị quyết 18 đã khẳng định “quản lí và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân”. Có nghĩa là chính sách đất đai phải quan tâm đến sự cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan gồm: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân với các quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, Nghị quyết cũng đã đưa ra những đột phá mới, đáng chú ý như: Bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; áp dụng mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất.

Thị trường được phát triển lành mạnh, bền vững

Ngay sau khi Nghị quyết 18 ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Suốt thời gian dài phát triển nóng, thị trường bất động sản dần bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, sự xuất hiện của Chỉ thị 13 dựa trên tinh thần của Nghị quyết 18 đã cụ thể hoá các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển đường dài.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường.

Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của Chỉ thị 13 nói riêng và Nghị quyết 18 nói chung là đặc biệt quan trọng trong việc định hướng thị trường bất động sản ở giai đoạn tự điều chỉnh như hiện nay.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí về một số nội dung liên quan đến Nghị quyết số 18-NQ/TW, ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm được hài hoà lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai là điều cần thiết để giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo: Báo Lao Động

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN