Đường vành đai 3 đi qua bốn địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong đó, Bình Dương đã huy động nhiều nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp để chủ động triển khai trước một đoạn vành đai 3 qua địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường kiểm tra tiến độ đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bình Dương là tỉnh đầu tiên có những đoạn đường thuộc dự án vành đai 3, 4 TP.HCM được đưa vào sử dụng. Cùng với TP.HCM và các địa phương khác, Bình Dương đang tích cực chuẩn bị hoàn thành đoạn còn lại của vành đai 3 và nhiều tuyến đường khác để tăng kết nối vùng.
Vừa làm khu công nghiệp, vừa làm đường
Ông Nguyễn Anh Minh – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương – cho biết đường vành đai 3 TP.HCM qua Bình Dương dài hơn 26km. Tỉnh này đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3km (trùng một phần với đường Mỹ Phước – Tân Vạn do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư). Đối với đường vành đai 4 TP.HCM, với khoảng 48,3km qua địa bàn Bình Dương, tỉnh này cũng đã đưa vào sử dụng 26,6km.
Đối với đoạn còn lại của đường vành đai 3 TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương cho biết Thủ tướng vừa giao thêm cho Bình Dương hơn 3.541 tỉ đồng (tổng cộng đã giao hơn 7.807 tỉ đồng) vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện dự án. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã cân đối vốn và cam kết bố trí đủ vốn cho dự án (vốn trung ương và tỉnh mỗi bên 50%) trong tổng mức đầu tư qua địa bàn Bình Dương là 19.280 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC – cho biết để thu hút đầu tư, Bình Dương rất quan tâm đến quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch giao thông luôn đồng bộ và đi trước một bước. “Bí quyết” để Bình Dương có nhiều tuyến đường lớn kết nối trong nội tỉnh và kết nối vùng, trong khi nhu cầu vốn lớn, là do tỉnh đã bám sát quy hoạch để vừa phát triển công nghiệp, đô thị vừa chủ động làm đường nên vốn ngân sách được “chia lửa”.
Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 62km nối từ nút giao Tân Vạn (xa lộ Hà Nội, TP.HCM) đến các khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đã được thông xe toàn tuyến, như “con đường tơ lụa” thứ hai cùng với quốc lộ 13 để Bình Dương kết nối vùng. Một phần tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn (đoạn từ Tân Vạn đến Bình Chuẩn) trùng với quy hoạch của dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã được đầu tư nên giảm áp lực khi làm đường vành đai 3.
Đường vành đai 3 khi qua địa bàn huyện Bến Lức (Long An) sẽ kết nối với nhiều khu công nghiệp của tỉnh. Như KCN Phú An Thạnh sẽ nằm trên trục kết nối giữa đường vành đai 3 và tỉnh lộ 830 và đường vành đai 4 khi con đường này hình thành – Ảnh: AN LONG
Khép kín mạng lưới giao thông kết nối
Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết đang tích cực chuẩn bị cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM theo đúng lộ trình chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời tỉnh cũng cố gắng huy động tối đa các nguồn lực và đề xuất trung ương cho cơ chế để tỉnh đồng thời đầu tư hoàn thiện các dự án giao thông kết nối khác.
Không chỉ đường bộ, các dự án giao thông đường sông, đường sắt được lên kế hoạch đầu tư để kết nối các khu công nghiệp cảng của khu vực Đông Nam Bộ, từ đó rút ngắn được thời gian luân chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng.
Với việc chủ động đầu tư nhiều dự án giao thông lớn đã giúp Bình Dương hấp dẫn được các nhà đầu tư khi thời gian vận chuyển hàng hóa và chi phí logistics giảm. Theo nghiên cứu của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, với tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn (được xây dựng mới hoàn toàn), thời gian vận chuyển hàng từ Bình Dương về các tỉnh Đông Nam Bộ rút ngắn được 30 phút đến một tiếng so với trước đây.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cũng đang tham mưu để sắp xếp lại các trạm thu phí trong địa bàn tỉnh theo hướng giảm bớt số trạm BOT và sắp xếp lại các trạm để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần điều tiết giao thông. Vừa qua, Bình Dương đã mua lại trạm thu phí trên đường ĐT743 rồi dẹp bỏ, đồng thời mở rộng tuyến đường này lên sáu làn xe để nối với TP.HCM.
Bên cạnh đó, các dự án như mở rộng quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, tuyến xe buýt nhanh và BRT kết nối TP.HCM – Bình Dương, đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… được thực hiện đồng bộ với dự án đường vành đai 3, 4 TP.HCM để “nối dài” hiệu quả các tuyến đường này.
Sơ đồ tuyến đường vành đai 3, 4 và các tuyến đường kết nối các khu công nghiệp, đô thị tại Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ
Đường vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư trên 50% nhờ tỉnh đã bám sát quy hoạch. Khi triển khai các khu công nghiệp Mỹ Phước, VSIP…, Bình Dương đã chủ động làm từng đoạn đường qua khu công nghiệp theo đúng quy hoạch. Hiện nay, một số đoạn đường vành đai 4 TP.HCM như đoạn qua thị xã Bến Cát, nối giữa quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn rộng thênh thang, nhiều làn xe rộng rãi cho các phương tiện lưu thông và hai bên đường phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ rất sầm uất.
Trích nguồn: https://tuoitre.vn/