Bình Dương đề xuất Chính phủ Nhật Bản và JICA hỗ trợ 95.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA để đẩy nhanh 3 dự án giao thông, phát huy thế mạnh liên kết vùng với TP.HCM.
Tốc độ phát triển đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương được nhìn nhận là địa phương phát triển rất năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Bên cạnh nhiều nghị quyết về chủ trương, định hướng phát triển tổng thể vùng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được Bình Dương đặc biệt quan tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội toàn địa bàn tỉnh.
Đầu tư giao thông kết nối liên vùng
Mới đây, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, có buổi tiếp và làm việc với ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam về nhu cầu đầu tư của địa phương ở giai đoạn tới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương là rất lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Trong số những dự án quan trọng, Bình Dương đang xúc tiến triển khai 3 dự án lớn với tổng nhu cầu vốn 543 tỷ yen (tương đương 95.000 tỷ đồng), gồm dự án xe buýt nhanh (BRT) kết nối thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên (TP.HCM); dự án metro từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên; dự án tuyến đường sắt công nghiệp kết nối Bình Dương đến các cảng biển Thị Vải, Cái Mép. Những dự án này được tỉnh kỳ vọng tạo tiền đề phát triển logistics và TOD toàn diện, mở ra không gian phát triển mới cho Bình Dương.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tỉnh sẽ sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.
Bình Dương chú trọng khai thác hiệu quả các hoạt động logistics. Ảnh: Phạm Ngôn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh ủy cũng cho hay năm 2023, Bình Dương sẽ tập trung giải phóng mặt bằng các tuyến đường, các dự án trọng điểm; đồng thời đàm phán với các tổ chức tín dụng quốc tế và huy động các nguồn lực trong nước để thực hiện các dự án xây lắp kỹ thuật.
Về phía JICA, ông Shimizu Akira trân trọng cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền Bình Dương đối với các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại tỉnh; điều đó cho thấy sự gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa Bình Dương và Nhật Bản.
Ông Shimizu Akira cho biết JICA rất ủng hộ những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương đối với các dự án phát triển giao thông, đô thị trên địa bàn tỉnh và sẽ phối hợp với Bình Dương tổ chức các phiên làm việc cụ thể để xây dựng phương án triển khai các dự án sớm nhất có thể. Riêng dự án BRT tại Bình Dương, hiện bước vào giai đoạn cuối trong quá trình đàm phán vốn ODA của JICA.
Tiềm năng đường sắt
Đến nay, JICA đã hỗ trợ hơn 27,7 tỷ yen (hơn 5.700 tỷ đồng) ODA cho tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành 2 dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 và giai đoạn 2, giải quyết vấn đề thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tại 2 đô thị TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An.
Tại Bình Dương, giao thông đường bộ chiếm tới 90% lưu lượng hàng hóa đi và đến, còn đường sắt chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa phát huy được lợi thế.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tặng quà lưu niệm cho ông Shimizu Akira – Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam. Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương.
Bình Dương hiện nay có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua dài 8,6 km, nằm trên địa bàn TP Dĩ An với ga Sóng Thần và ga Dĩ An. Trong đó, ga Sóng Thần có công suất vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, xếp dỡ bình quân là 5 xe mỗi ngày và ga Dĩ An làm nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tránh vượt các đoàn tàu Bắc Nam.
UBND tỉnh Bình Dương trước đó cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT hỗ trợ địa phương về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trên cơ sở quy hoạch đường sắt Xuyên Á để kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Nguyên với sân bay, cảng biển quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đã kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 TP.HCM đến tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Để phát triển kinh tế – xã hội, Bình Dương đang phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của vùng như đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh nhánh N2 về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhánh phía đông kết nối về TP.HCM.
Bên cạnh đó, Bình Dương đang xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, dự án O&M (tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn)…
Khoảng cách giữa 3 thành phố của Bình Dương với TP.HCM. Đồ họa: Nhân Lê.
Trước sự bùng nổ của khoa học – công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế – xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Trích nguồn: https://zing.vn/