Quỹ đất công nghiệp mới được tạo ra, kèm theo đó là các công trình tạo lực như đường kết nối, nhà ở xã hội, sự đồng hành của chính quyền… đã giúp Bình Dương được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, vươn lên thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.

Quỹ đất công nghiệp mới được tạo ra, kèm theo đó là các công trình tạo lực như đường kết nối, nhà ở xã hội, sự đồng hành của chính quyền… đã giúp Bình Dương được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, vươn lên thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty Rheem Việt Nam (vốn FDI từ Úc) vừa được mở rộng dây chuyền trong khu công nghiệp tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương từ đầu năm 2023 – Ảnh: Q.Thanh

   Ngày 10-2, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết nhà máy thứ ba của Công ty Rheem Việt Nam (vốn FDI từ Úc) vừa được đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Đồng An 2, thành phố Thủ Dầu Một.

Đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tiêu biểu vừa được giải ngân vốn dịp đầu năm 2023, đánh dấu Bình Dương vươn lên vị trí thứ hai cả nước (chỉ sau TP.HCM, vượt Hà Nội, Đồng Nai…) về thu hút vốn FDI.

Sau khi được mở rộng, nhà máy của Rheem Việt Nam tại Bình Dương có tổng mức đầu tư hơn 46 triệu USD (tương đương trên 1.000 tỉ đồng, theo tỉ giá hiện tại).

Nhà máy được triển khai trên quỹ đất hơn 6 ha, cung cấp việc làm cho khoảng 300 lao động. Mỗi năm nhà máy sản xuất ra hàng trăm ngàn bình nước nóng, bộ thu năng lượng mặt trời và các phụ kiện khác, xuất khẩu chiếm tới 99%.

Ông Matthew Chessum – tổng giám đốc Công ty Rheem Việt Nam – cho biết Rheem được thành lập gần 100 năm và có mặt tại Việt Nam tròn 10 năm (từ đầu năm 2013). Sau quá trình đầu tư tại Bình Dương được đánh giá là hiệu quả, công ty này quyết định mở rộng nhà máy để củng cố sự hiện diện ở châu Á và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà máy mới sẽ không chỉ sản xuất mà còn góp phần tích cực hơn trong việc nghiên cứu phát triển, triển khai các giải pháp sản xuất để giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường.

Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù gặp khó khăn chung về dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… nhưng tỉnh này vẫn có những tín hiệu vui trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tính cả năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương đạt hơn 3,1 tỉ USD, trong đó có dự án lớn như nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch)…

Có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Bình Dương, tiêu biểu là Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Các nhà máy FDI chủ yếu đầu tư trong khu công nghiệp (chiếm 67% tổng vốn đầu tư).

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng mới khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) 3 và tiếp tục mở rộng quy mô một số khu công nghiệp khác.

Ngoài việc mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe để kết nối với vùng Đông Nam Bộ, tích cực triển khai đường vành đai 3, 4 TP.HCM, Bình Dương cũng tích cực xây dựng nhiều tuyến đường mới trong tỉnh để thúc đẩy đầu tư.

Tiêu biểu như đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (sắp khánh thành), đường ĐT746 (qua cổng Khu công nghiệp VSIP 3)…

Số liệu vốn FDI cả nước
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tổng cộng, hiện nay TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 56,2 tỉ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư).

Bình Dương đứng thứ hai cả nước với gần 39,7 tỉ USD (chiếm gần 9%). Thứ ba là Hà Nội với trên 38,8 tỉ USD (chiếm 8,8% tổng vốn cả nước)…

Nguồn: báo Tuổi Trẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN